Câu chuyện nghệ thuậtHans Zimmer: Người sống trong mộng điện ảnh

https://introart.com.vn/edu/wp-content/uploads/2022/04/Hans-Zimmer-01-1460x760-1-1280x666.jpeg

 “Mọi thứ dường như tồn tại ở một thế giới khác, thế thì tại sao chúng ta không tạo nên một thứ âm nhạc thật sự khác biệt?” Hans Zimmer – thiên tài âm nhạc người Đức là cái tên quen thuộc trong giới âm nhạc và điện ảnh với tài năng thiên phú trong...

 “Mọi thứ dường như tồn tại ở một thế giới khác, thế thì tại sao chúng ta không tạo nên một thứ âm nhạc thật sự khác biệt?”

Hans Zimmer – thiên tài âm nhạc người Đức là cái tên quen thuộc trong giới âm nhạc và điện ảnh với tài năng thiên phú trong việc mang đến linh hồn cho các bộ phim thông qua âm nhạc. Ông là nghệ sĩ mang đến cảm xúc cho các bộ phim đình đám như The Lion King, Kungfu Panda, Gladiator, The Last Samurai, Pirates of Caribbean, The Dark Knight, Inception…Hans Zimmer nổi tiếng với phương pháp âm nhạc tích hợp dàn nhạc truyền thống với chất liệu hiện đại, một sự giao thoa hoàn hảo giữa chất liệu nhạc cổ điển và kỹ thuật thu âm tân tiến. Chính bởi vậy, ông đã tạo ra rất nhiều những mảng âm thanh mới, góp phần khai sinh dòng nhạc “World Music” – Sản phẩm của sự phối hợp nhuần nhuyễn những nhạc cụ và âm nhạc địa phương tạo nên âm hưởng của các dân tộc trên thế giới.

Nói về Hans Zimmer, sẽ không phải quá khi nói ông là chủ nhân của hàng loạt các bản nhạc phim bất hủ, là thần tượng của vô số các nghệ sĩ trên khắp thế giới từ nghệ sĩ nhạc cổ điển đến hiện đại và là một “phù thủy” trong việc khắc họa nội tâm và tính cách của nhân vật trong các bộ phim. Bằng âm nhạc Hans Zimmer khiến cho người xem nở nụ cười, rơi nước mắt, khiến cho niềm vui thêm đậm còn nỗi buồn thêm sâu. Khi thì bi tráng hào hùng khi thì tươi vui sôi động, dù là cảm xúc nào Hans Zimmer cũng đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 

Hans Zimmer

Hôm nay để hiểu thêm về nhà soạn nhạc tài ba này, hãy cùng Intro Art gặp gỡ Hans Zimmer trong một cuộc phỏng vấn với The Talks:

Thưa ông Zimmer, ông thường nghe thể loại nhạc gì?

Nhạc nào tôi cũng nghe và thường thì nó phụ thuộc vào tâm trạng. Vào những năm 30s Duke Ellington từng nói một điều khá là ngầu. Ông nói trên đời chỉ có hai thể loại nhạc: nhạc hay và nhạc dở. Để mà nói về thể loại, thì nói thật tôi nghe tất. Tôi nghe White Stripes rồi đến ABBA rồi Kraftwerk và đôi khi tôi sẽ muốn nghe liên tục nhiều bản nhạc hay của Bach.

Ông có bao giờ nghe chính nhạc phim mình làm?

Ồ không bao giờ đâu.

Kể cả Vua Sư Tử ư?

Bạn biết đấy, chuyện này xảy ra như cơm bữa. Khi tôi trở về nhà, thứ tôi không muốn nhất là phải nghe bất cứ cái gì của mình. Nhưng tụi trẻ bắt đầu chơi piano, cello và rồi chúng chơi nhạc của tôi. Tôi kiểu như là cũng một lúc thấy thích thú mà cũng thấy khó chịu. Với tụi nhỏ thì người cha này cũng chẳng phải tạo ra điều gì đặc biệt đâu. Chỉ là người tạo thêm một vài nốt nhạc cho chúng chơi mà thôi. 

Ông có thấy dễ dàng trong việc để mọi công việc ở phòng thu khi trở về nhà với gia đình?

Um, chuyện là khi tôi dồn toàn tâm toàn ý cho một bộ phim, phần nào đó trong tôi sẽ trở thành nhân vật trong phim. Ví dụ như cái hồi tôi làm nhạc phim The Thin Red Line, tôi khá là khó gần đấy. Cuộc sống của một nhà soạn nhạc phim khá là kỳ lạ, vì bạn sẽ không hoàn toàn sống trong thế giới thực. Bạn sẽ mãi sống trong cái thế giới mộng tưởng của bộ phim. Sự thấu hiểu của tôi đối với cuộc sống thực tế thực ra rất là tệ.

Tệ đến vậy sao?

Mọi người thấy đấy, tôi vừa là một nhạc sĩ và vừa là một nhạc công. Đôi khi tôi nghĩ trong lúc mình chơi nhạc, tôi đã bỏ lỡ một phần quá trình phát triển của sự sống xung quanh. Tôi vẫn thường gặp vấn đề trong việc cân bằng các trạng thái của cuộc sống. 

Ông đã soạn nhạc cho rất nhiều tác phẩm kinh điển như Rain Man, Gladiator, The Dark Knight Trilogy tính cả giải chiến thắng Oscar cho The Lion King, nên có vẻ như sự trưởng thành cũng không quá cần thiết?

Nhưng mỗi bản nhạc của những bộ phim này, tại điểm này hay điểm khác đều có một vấn đề chung không thể bỏ qua là: Đến một điểm tôi phải nghĩ “Ôi trời ạ mình chẳng có ý tưởng gì hết” hay là “Thế này là chưa đủ hay”. Bằng cách nào đó đến cuối ngày, việc làm những điều thân thuộc với mọi người lại khá có ích và giúp tôi tiếp tục.

Đã khi nào ông nuối tiếc khi không học nhạc một cách chính thống?

Vấn đề của việc không học tại một trường nhạc cũng như không vào trường Đại Học là mỗi khi tôi bắt đầu một bộ phim mới, đó là cả một hành trình mới của sự học hỏi. Điều này luôn luôn là một thử thách. Nhưng để nhìn theo cách khác, thì đây là điều khiến cho hành trình đó này trở nên rất thú vị.

Như thế nào?

Bộ phim The Da Vinci Code là một ví dụ tuyệt vời đấy. Tôi đã dành cả một năm trời để nghiên cứu và nghiền ngẫm những bức tranh, đọc nhiều sách và tất cả những thứ liên quan về đề tài này. Đây thật sự là một cách hay để trải qua một năm đấy. 

Vậy làm thế nào để ông mang những nghiên cứu đó vào trong âm nhạc của mình?

Thật ra thì luôn có một mẫu số chung cái gì là tốt nhất cho cả bộ phim, nhưng rồi sẽ đến lúc mình thấy việc tập trung vào từng nhân vật quan trọng hơn. Thật đấy, nếu bạn nhớ lại những bộ phim hay sẽ thấy điều này rất đúng. Có một lần tôi hỏi Penny Marshall là “Sao mà bà làm được một bộ phim hay vậy ?” Rồi cô ý trả lời là “Đơn giản thôi, bảo vệ những ngôi sao”. Nói cách khác, là bảo vệ nhân vật chính của bộ phim. Đừng có để họ nói những gì ngu xuẩn, đừng để họ khoác lên mình những thứ vớ vẩn, đừng đặt họ vào những hoàn cảnh để họ không phải là họ. Miễn bạn làm vậy, bạn thường sẽ thành công trong việc kể chuyện.

Viggo Mortensen nói là điều anh ý làm trước mỗi vai diễn là hỏi bản thân mình điều gì đã thực sự xảy ra từ khoảnh khắc nhân vật được sinh ra cho đến trang đầu tiên của kịch bản. Với vai trò là một nhà soạn nhạc, ông có nghĩ nhiều về điều đó không?

Với Sherlock Holmes, rất là vui  khi mà tôi đã hẹn gặp Robert Downey Jr và nói chuyện với Robert bởi vì anh ý biết về nhân vật này rất rõ. Tôi không ngại ngần tận dụng Robert cũng như tất cả những nghiên cứu Robert đã làm trước đó về nhân vật của mình.

Và điều này đã ảnh hưởng đến việc làm nhạc của ông như thế nào?

Tôi đã quyết định rằng nhân vật về cơ bản sẽ là một nghệ sĩ vĩ cầm trầm cảm và tôi nghĩ là anh ta có lẽ không nên chơi những bản nhạc cổ điển lãng mạn. Có lẽ những gì đang phát ra trong suy nghĩ của anh ta còn phi thường hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, có thể một chút điên dại hơn nữa. Nên tôi nói với Guy Ritchie rằng chúng ta cần làm cho nó kỳ lạ hơn, trái với ý tưởng ban đầu là âm nhạc thời đại Victoria của Anh bởi vì anh ta sẽ chơi những thứ khác xa với những gì người khác chơi trong thời kỳ đó.

Ông có thường có mặt trên phim trường trong quá trình làm nhạc không?

Thỉnh thoảng thôi…Nhưng thường tôi sẽ hạn chế rời phòng nhiều nhất có thể. Tôi phải làm việc rất nhiều

Ông có phải thích một bộ phim, để có thể làm nhạc phim hay?

Tôi phải thích bộ phim chứ, tất nhiên là việc đó rất có ích. Ai mà lại muốn làm thứ mà họ không thích? Nhưng mà cái quan trọng hơn, tôi thường thích một bộ phim bởi vì những người mà nó liên quan. Đây là một sự cộng tác, thường là với đạo diễn, và điều này rất truyền cảm hứng. Gore Verbinski là một ví dụ, nếu mà tôi bay quá, ông sẽ tìm cách thúc đẩy để tôi còn bay xa hơn nữa cơ. Bởi vì đây là cách làm việc của chúng tôi: chúng tôi cố gắng kể một câu chuyện tốt nhất có thể và tìm ra những cách mới chưa từng được làm trước đây.

“Khi ngôn ngữ im lặng thì âm nhạc lên tiếng .” Đối với những ai yêu mến điện ảnh, nhạc phim luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá chất lượng cũng như thưởng thức bộ phim. Âm nhạc không chỉ để nghe bằng tai, mà còn để hiểu bằng cả trái tim và khối óc. Âm nhạc chính là tiếng nói chung của toàn nhân loại, của công dân trên toàn thế giới hay thậm chí còn là thứ ngôn ngữ kết nối con người và các giống loài khác. Chính bởi vậy nhạc phim đã và luôn là một phần quan trọng trong môn nghệ thuật thứ bảy này, khi được dùng không chỉ để tạo ra giai điệu theo cách thông thường mà còn là đường dây dẫn dắt câu chuyện. 

Hans Zimmer từ lâu đã được coi là linh hồn của Hollywood. Mới đây ông đã một lần nữa nhận về giải Oscar danh giá với phần thể hiện xuất sắc trong Dune. Hãy cùng mong chờ những siêu phẩm tiếp theo của ông nhé!

Bài phỏng vấn gốc thuộc về The Talks, bản quyền bản dịch thuộc Intro Art!

Về chúng tôi

Theo đuổi niềm tin về một cuộc sống sung túc cả về vật chất lẫn tinh thần cho mỗi người dân Việt Nam trong tương lai, Intro Art mong muốn xây dựng một cộng đồng đam mê thưởng thức nghệ thuật, thông qua việc một hệ sinh thái bền vững với 2 lĩnh vực trọng tâm là Giáo dục và Biểu diễn nghệ thuật.

Liên hệ với chúng tôi

Địa chỉ: Số 14, Galaxy 8, Khu đô thị Ngân Hà Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội

Hotline: 08 39 39 29 09 – 08 88 41 16 39

Giờ làm việc: 9:00 – 18:00.

Bảng tin và playlist hàng tuần

    Họ và tên (required)

    Địa chỉ Email (required)

    Số điện thoại (required)

    bt_bb_section_top_section_coverage_image
    bt_bb_section_bottom_section_coverage_image